Cụm từ "Không cần thiết về mặt y khoa" đã được nhà M định nghĩa rõ ràng!
Công ty Cổ phần Tư vấn Dịch vụ Bảo hiểm Việt Nam

Ngày hôm nay (13/09/2021) tôi nhận được thông tin từ một bạn Đại lý bảo hiểm là nhà M đã ra văn bản "Thông báo liên quan đến giải quyết quyền lợi bảo hiểm trợ cấp y tế" gửi đến Quản lý/Đại lý bảo hiểm. Đây là một văn bản nội bộ của nhà M tuy nhiên nó lại ảnh hưởng đến quyền lợi của Khách hàng tham gia bảo hiểm nên tôi mạn phép đưa ra vài ý kiến về văn bản này.
1. Tôi lấy làm vui mừng vì nhà M đã tiếp thu ý kiến phản biện khi xây dựng danh mục "bệnh lý thông thường" mà nhà M sẽ từ chối khi làm hồ sơ yêu cầu bồi thường. Như vậy có thể khẳng định nhà M đã định danh rõ ràng bệnh lý nào là "Không cần thiết về mặt y khoa. Dù sao đây cũng là điểm đáng mừng hơn một số DNBH khác còn chưa nhận ra được cái sai của mình, hoặc một số người đã từng bảo thủ và bảo vệ từ ngữ này.
2. Tôi xin góp ý với nhà M rằng Hợp đồng bảo hiểm là thoả thuận giữa DNBH và Người tham gia bảo hiểm chứ không phải DNBH và Đại lý bảo hiểm vì lẽ đó Thông báo nội bộ này chỉ có giá trị áp dụng khi Người tham gia bảo hiểm đồng ý các nội dung thay đổi này. Việc làm này đồng nghĩa với việc các Hợp đồng bảo hiểm (điều khoản bổ trợ) phần Quyền lợi trợ cấp y tế sẽ phải ký lại hay thoả thuận lại với Người tham gia bảo hiểm. Thông báo này hoàn toàn là từ một phía và không có giá trị áp dụng. Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 có quy định: "Điều 25. Sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm: 1. Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thoả thuận sửa đổi, bổ sung phí bảo hiểm, điều kiện, điều khoản bảo hiểm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 2. Mọi sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản."
3. Những vụ việc từ trước đến nay bị nhà M từ chối với lý do "Không cần thiết về mặt y khoa" khi chưa có Danh mục bệnh lý thông thường không cần thiết nằm viện có phải là đã từ chối sai vì chưa có điều khoản rõ ràng để tham chiếu??? Nhà M và những DNBH đã sử dụng cụm từ này để từ chối bồi thường với Khách hàng cần có một câu trả lời thoả đáng cho Khách hàng, những người đã bị tổn thất nghiêm trọng về tiền bạc cũng như niềm tin vào ngành bảo hiểm.
4. Nhà M và các DNBH đã cho mình cái quyền lực tối thượng khi kiểm tra chéo Hoạt động của Bệnh viện là nơi thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y Tế. Bằng bài viết này mời Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng bộ Tài Chính vào xem DNBH đi kiểm tra Bệnh nhân có cần thiết phải điều trị nội trú hay không để còn giả tiền bảo hiểm. Không cần thiết chắc chắn các Bác sỹ được ăn học, đào tạo bài bản toàn nhận tiền phong bì hoặc định bệnh sai để cho người bệnh nằm viện kiếm tiền. Nếu đọc trong Danh sách "Bệnh viện cần theo dõi" có cả Bệnh viện nhi trung ương, đơn vị đầu ngành về khám chữa bệnh nhi, thật là buồn cười.






Tôi viết bài này với những lời góp ý chân thành gửi đến nhà M và các DNBH khác đang sử dụng cụm từ "Không cần thiết về mặt y khoa" trong Điều khoản sản phẩm, hoàn toàn mang tính xây dựng chứ không bôi xấu DNBH. Thà một lần xin lỗi Khách hàng còn hơn để 100 lần mang tiếng DNBH lừa đảo.
Theo Đỗ Hồng Sơn - Giám đốc Vics-corp
Thông tin dịch vụ
Vụ việc cụ thể
Bài viết chuyên sâu